Nơi in dấu những con đường
» Khoa vận hành ô tô - Máy thi công qua 39 năm phát triển. (04.01.2012 ) » Khoa Điện - Điện tử qua 15 năm phát triển (04.01.2012 ) » Khoa Cơ khí động lực qua 34 năm phát triển (04.01.2012 ) » Trường Trung cấp nghề Sơn la 39 năm xây dựng và trưởng thành (04.01.2012 ) » Thành tích đã đạt trong năm học 2010 – 2011 (07.08.2011 ) » Lễ tổng kết năm học 2010 – 2011 (07.08.2011 ) Khoa Vận hành ô tô – MTC, Trường Trung cấp nghề Sơn La có nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo đội ngũ công nhân kĩ thuật lái xe, vận hành máy thi công, xe máy. Khoa đã thực hiện tốt kế hoạch hàng năm mà Nhà trường giao cho. Đó là đào tạo ra những công nhân kĩ thuật đi khắp mọi miền của đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm đó, trên cơ sở kế hoạch học tập cụ thể của từng lớp học, khóa học, đội ngũ giáo viên đã thực hiên nghiêm túc kế hoạch được giao, thể hiện ở từng bài học, từng cung đường để đi từ đơn giản đến phức tạp. Các học viên sẽ được làm quen, thực hiện, ôn luyện trên những con đường mà trên những con đường ấy ngoài những kiến thức, phương pháp về vận hành ô tô, sẽ lưu lại trong kí ức của mỗi chúng ta về những địa danh, danh lam thắng cảnh, những cảm xúc, những kỉ niệm trên những chặng đường.
Hãy đến với chúng tôi để được học, cùng khám phá những địa danh và chinh phục những con đường: Với những kỹ năng ban đầu mới hình thành đó, chúng sẽ được nâng cao trên những cung đường. Những thử thách khó khăn hơn bằng hành trình Sơn La – Thuận Châu – Quỳnh Nhai: Qua đèo Sơn La, Chiềng Pấc những cung, chặng phức tạp hơn để bạn điều khiển xe lên dốc, xuống đèo kết hợp tăng, giảm số thích hợp. Một thoáng bối rối, hồi hộp khi điều khiển xe qua Bản Mô Cổng để đến với Quốc lộ 279, con đường nhỏ hai bên là núi và vực sâu. Thử thách, nguy hiểm, nhưng ngược lại thiên nhiên đã ban cho chúng ta một tuyệt tác để chiêm ngưỡng. Vào mùa xuân nơi đây là đặc trưng của vùng Tây Bắc, khi mà làn sương sớm tan đi hiện ra trước mặt chúng ta là cả một rừng Ban trắng. Có thể ví như đây là vẻ đẹp kiều diễm của những cô gái vùng Tây Bắc. Quốc lộ 279 đã ở trước mặt để chinh phục và chúng ta đang ở trên cây cầu cao gần 100m cầu Pá Uôn. Ở một vùng xa xôi hẻo lánh hiện lên một cây cầu vĩ đại. Cảm giác lâng lâng khi đứng trên cầu, phóng tầm mắt nhìn về hai phía mênh mông chỉ là biển nước. Những kỷ niệm về bến phà, những con thuyền, người dân lao động hai bên bờ sông, cứ hiện lên trong tôi. Ký ức, hiện tại cứ quyện vào nhau để Pá Uôn ơi ta xao xuyến lòng:
Nhớ Pá Uôn
Chúng tôi đi khi mùa hoa ban nở
Tạm biệt Pá Uôn chặng còn lại để đến với xã Mường Giôn bạn sẽ được thử thách bởi đường hẹp, quanh co liên tục. Thỉnh thoảng lại có vài xe ngược chiều lấn sang phần đường của bạn. Nhưng bạn hãy bình tĩnh, bởi những tình huống đó đã trang bị thêm cho bạn kinh nghiệm xử lý, bản lĩnh dạn dày. Chào nhé. Hẹn gặp lại ! Chúng ta lại tiếp tục khám phá và chinh phục những miền đất lạ. Điểm tiếp theo phải vượt qua đó là đèo Cao Pha đưa chúng ta đến với huyện Mường La. Bạn sẽ được thử thách với những đường cong gấp khúc, tầm nhìn hạn chế, vượt sông Đà đến với công trình thủy điện 2400MW, thủy điện Sơn La, đúng là một trong những công trình lớn mang tầm khu vực, hiện đại, tầm vóc, phi thường. Tiếp tục cuộc hành trình chúng ta sẽ được khám phá Hạ Long của Sơn La tại xã Chiềng Lao. Nơi đây là một biển nước mênh mông xanh biếc, được xen lẫn bởi những ngọn núi nhấp nhô, có lẽ chỉ còn thiếu những cánh buồm thì Hạ Long đã là hiện hữu. Ngược dòng Nậm Mu con đường hẹp một bên là núi, một bên sông. Bản lĩnh của người lái xe sẽ được kiểm chứng và nâng tầm, và một công trình đầy dấu ấn hiện ra trước mắt các bạn. Thủy điện Huổi Quảng một công trình mà hệ thống dẫn dòng tất cả đều nằm sâu trong núi. Giã từ Huổi Quảng chúng ta cùng nhau quay lại một trong những vựa ngô của tỉnh nhà: Mường Chùm – Chiềng Chăn nơi đây khi mà những nương ngô hiện lên một mầu xanh tươi tốt, báo hiệu một mùa bội thu, no đủ cho bà con các dân tộc. Vậy là đã hoàn thành bài học đầy bổ ích, lý thú và một tua du lịch – có lẽ vậy.
Học, học nữa. Muốn tay nghề được nâng cao, chúng ta cũng cần phải tập trên những chặng đường khó khăn, nguy hiểm để tăng thêm bản lĩnh. Những cung đường nguy hiểm, phức tạp đang chờ đón chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau chinh phục nó. Quốc lộ 37 điểm xuất phát từ ngã 3 Cò Nòi. Tính phức tạp nguy hiểm được thể hiện ngay ở những điểm đầu của con đường. Ngoằn nghoèo, khúc khuỷu, dốc, nguy hiểm để bạn phải vượt qua, chế ngự được con tuấn mã lên đến đỉnh đèo Chẹn. “Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”. Tạm thở phào để được đón nhận những cảm giác mới lạ: Mát mẻ, khoan khoái vào mùa hạ; Rét, mù mịt, ướt át vào mùa đông, nhưng đều có chung một điểm là cảm giác rôm đốt gáy, xương xống gai gai khi xuống đèo gặp những đoạn cua tay áo, dốc tức, vực sâu hàng trăm mét. Bạn được thể hiện bản lĩnh bình tĩnh, tự tin để tích lũy thêm những kinh nghiệm cho mình. Qua cầu Tạ Khoa, vượt dốc Cao Đa, tránh những ổ gà, chúng ta đã đến huyện vùng cao Bắc Yên. Nhìn xa xa Xã Hồng Ngài quê hương A Phủ. Tiếng vó ngựa, tiếng khèn, phiên chợ vùng cao để “Váy em xòe muôn sắc mầu sặc sỡ” đâu rồi? Có lẽ đã đi theo thời gian để nhường chỗ cho những khối bê tông câm lặng và con ngựa sắt mà bạn đang điều khiển. Thêm một chút trải nghiệm khi đổ đèo Phiêng Ban, tạm dừng chân ở rừng Tướng Giáp những nguy hiểm của con đường đã ở lại sau lưng. Cửa ngõ của huyện Phù Yên Ngã 3 Gia Phù đã trong tầm mắt; “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than , tứ Tấc” bạn đang ở trên vựa thóc thứ 4 của vùng Tây Bắc. Tạm nghỉ và thưởng thức dư vị của cuộc hành trình. Một chút thành công đã xuất hiện.
Nhưng vẫn còn đó những con đường phía trước. Quốc lộ 4G hoàn toàn xa lạ đưa chúng ta đến với Sông Mã - Sốp Cộp. Dốc Nà Viền, đèo Chằm Cọ có cái gì na ná như đèo Chẹn vậy. Cũng gió, sương mịt mù, cua gấp mà bạn đã trải nghiệm, có chăng một chút dạn dày. Qua Chiềng Khương nơi đã rất gần với nước bạn Lào, đến Sông Mã chưa phải là điểm cuối. Vững tin vượt khe Xanh dốc cao, vực sâu lên cổng trời để đến nơi mà khi xưa câu cửa miệng “Lẩu Mường Và, Pa Sốp Cộp”. Pa thì còn đâu, Lẩu thì làm gì? Chỉ còn lại khung cảnh của một thị trấn mới hoang sơ đang trên đà xây dựng. Vậy là hoàn thành rồi, quay về thôi chuyến đi dã ngoại đang chờ.
Cuộc hành trình dã ngoại Sơn La – Điện Biên đi trên một lộ trình dài: Đèo Pha Đin nơi giao hòa của trời đất, bồng bềnh trên mây, sương mù giăng kín. Nghỉ chân nhâm nhi giọt cà phê tại đỉnh đèo. Thú vị, thi vị, học mà chơi, chơi mà học, một chút thư giãn tỉnh táo để xuống đèo. Khi xưa là một trong những đèo dài và nguy hiểm nhất nước. Chân đèo, Tuần Giáo đã ở trước mặt, dốc Tà Cơn ngắn, nguy hiểm thêm một vài thử thách. Huyện Mường Ảng đã trong tầm mắt, vượt đèo Tằng Quái. “Tang Quai" tiếng Thái có nghĩa là đường trâu đi. Vậy là thành công khi mà bạn đã điều khiển xe đi qua được đường trâu đi. Mùa đông dọc hai bên đường hoa Dã Quỳ nở rộ như những người bạn đồng hành theo suốt chúng ta trong cuộc hành trình. Vào Mường Phăng thăm cứ địa của Tướng Giáp, vượt qua những cung đường nhỏ ngoằn nghoèo. Cánh đồng Mường Phăng hiện ra trước mặt, chỉ huy sở còn cách trung tâm khoảng 4 km. Chỉ ở trong những căn hầm này, mà những con người vĩ đại đã làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.
Điện Biên địa danh huyền thoại, tiếp tục cuộc hành trình trên quốc lộ 279 để đến cửa khẩu Tây Trang. Leo đèo Tây Trang heo hút vắng bóng người, với thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ với những chiến sĩ Biên phòng ở tuyến đầu Tổ quốc. Thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc hành trình cũng như trên đường đời. Trở lại Điện Biên để tiếp chặng đường trên quốc lộ 12 qua Mường Pồn. Nơi đây khi xưa hình ảnh người anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng còn đọng lại trong mỗi chúng ta. Qua cầu Mường Mơn đến huyện Mường Chà một huyện mới thành lập. Có lẽ từ đây đến điểm cực tây của Tổ Quốc cũng còn khá xa.. Đích của chuyến đi dã ngoại đã dưới chân chúng ta. Quay lại Điện Biên với những địa danh đồi A1, Tượng đài chiến thắng, hầm Đờ Cát, Bảo tàng, Đền thờ Hoàng Công Chất, để chúng ta cùng tham quan, chiêm bái. Song hơn cả là cánh đồng Mường Thanh vựa thóc lớn nhất vùng Tây Bắc đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ. Ai đó cũng sẽ phải thốt lên khi đến đây vào mùa gặt bởi mùi hương thơm ngào ngạt của lúa. Vị cay, thơm nồng của rượu. Ấn tượng, cảm xúc đọng lại trong tôi qua nhiều chuyến đi bởi Mường Thanh.
Tình em Mường Thanh
Yêu nữa rồi thêm một lần khờ dại.
Đêm trăng lên Em khoác màn sương trắng
Mường Thanh là thế đó, nêu không có cơ hội đến với Mường Thanh thì chúng ta sẽ cùng nhau đến với một điểm du lịch đầy quyến rũ đó là Sa Pa. Từ Huổi Quảng hoặc Mường Giôn đến Than Uyên của tỉnh Lai Châu chúng ta tiếp tục làm lữ khách để đến với những địa danh còn lại của vùng Tây Bắc. Đi dọc quốc lộ 32 để chiếm ngưỡng vựa thóc thứ 3 của vùng Tây Bắc, cảm giác sảng khoái khi điều khiển xe đi trên những chặng đường êm như ru. Ngã 3 Bình Lư đụng quốc lộ 4D, những kiến thức cũ qua những con đèo được chúng ta ôn lại. Ô Quy Hồ đỉnh đèo mát rượi, mù mịt, núi non hùng vĩ, cảm giác như ở “nhà” vậy. Dừng chân nơi Thác Bạc, tiếp tục xuống đèo, Sa Pa mờ sương đã hiện ra, với những đồi su su, rừng trúc, vườn hoa, những dãy phố, lâu đài, biệt thự. Vào mùa đông khi sương mù bao phủ, những rặng Sa Mu ủ rũ nhỏ những giọt sương tí tách. Nhang nhác buồn như trời Châu Âu chớm vào đông vậy. Mùa hè khi thưởng thức những cái nóng của Than Uyên, Pá Uôn bạn sẽ thấy giá trị đích thực của Sa pa. Trở lại điểm xuất phát chúng ta đã hoàn thành cơ bản chương trình thực hành trên những cung đường. Để có được những thành công đó, làm cơ sở cho giai đoạn tiếp theo, là cả một sự nỗ lực. Từ buổi đầu hồi hộp, sợ hãi đến tự tin bởi chúng ta đã trải qua một quá trình, đã vượt lên tất cả, vượt qua chính mình.
Vượt lên
Trải qua những tháng ngày vất vả. Bạn đã vượt lên được chính mình sau một khóa học, sau một khoảng thời gian. Những con đường bạn đã vượt qua, những địa danh bạn để lại dấu ấn. Những tua du lịch bạn đã tham gia, thưởng thức văn hóa ẩm thực của từng vùng miền. Qua một lớp học lái xe tại Trường TCN Sơn La.
Thầy giáo: Đăng Nhân |
Các tin cũ hơn:
» Tin vui cho Học sinh, sinh viên học nghề (06.01.2012)
» Dạy nghề theo nhu cầu thực tế của địa phương (07.01.2012)
» Gần 800 ngàn lao động nông thôn được học nghề (05.02.2012)
» 10 Sự kiện nổi bật về dạy nghề năm 2011 (05.02.2012)
» Đại hội đoàn trường TCN Sơn La (22.02.2012)
» Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2011 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2012 (03.03.2012)
» Dự giờ - Khoa vận hành ô tô, máy thi công (16.03.2012)
» Giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đến năm 2015 (25.06.2012)
» Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% vào năm 2020 (25.06.2012)
» Tạo sự đột phá trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề (25.06.2012)